MƯỜI PHẨM CÁCH CẦN THIẾT CHO NGƯỜI THAM GIA MỤC VỤ ÂM NHẠC.

Quý vị đang tham gia một ban thờ phượng ở Hội thánh địa phương? Quý vị có ao ước xây dựng một đội thờ phượng vững mạnh tại nhà thờ mình đang nhóm? Có cần điều kiện hay phẩm cách nào để giúp chúng ta đạt được ước mơ trong mục vụ âm nhạc? Theo kinh nghiệm của tôi và từ nguồn kiến thức tổng hợp, có 10 phẩm cách cần thiết cho người tham gia mục vụ âm nhạc & thờ phượng.

1. Xác nhận rõ ràng sự kêu gọi của Chúa.

Không ai biết rõ bạn hơn chính Chúa và chính bạn. Chúa đặt một sự đam mê chảy trong đời sống cho đến khi bạn được thúc đẩy từ bên trong để bước vào vị trí (hay thực hiện mơ ước có liên quan). Sự xác nhận đó có thể là:

[a] Qua lời của Chúa bởi sự cảm động của Đức Thánh Linh. “32 Hai người nói cùng nhau rằng: Khi nãy đi đường, Ngài nói cùng chúng ta và cắt nghĩa Kinh thánh, lòng chúng ta há chẳng nóng nảy sao?” (Lu-ca 24:32)

[b] Qua một một người (thuộc linh), người đó có thể là mục sư của bạn, người hướng dẫn, một người bên ngoài hội chúng của bạn… họ nhận thấy điều đó rõ hơn bạn và cho một lời khuyên hay gợi ý. 47 Đức Chúa Jêsus thấy Na-tha-na-ên đến cùng mình, bèn phán về người rằng: Nầy, một người Y-sơ-ra-ên thật, trong người không có điều dối trá chi hết. 48 Na-tha-na-ên thưa rằng: Bởi đâu thầy biết tôi? Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Trước khi Phi-líp gọi ngươi, ta đã thấy ngươi lúc ở dưới cây vả.” (Giăng 1:47-50)

[c] Qua khả năng (ân tứ) mà Chúa ban cho chính bạn. Chúng ta nhìn vào đời sống của David. Khả năng chơi nhạc và chế tác khí nhạc, sáng tác Thi Thiên của David là một ân tứ đặc biệt (Thiên phú) 23 Vậy, khi Đức Chúa Trời khiến ác thần nhập vào Sau-lơ, thì Đa-vít lấy đàn và gảy. Sau-lơ bèn được an ủi, lành mạnh, và ác thần lìa khỏi người. (1 Sa-mu-ên 16:23)

2. Có kiến thức thần học về thờ phượng (tốt nhất là được đào tạo)

            Hiện nay hầu chưa có chủng viện nào hay trường thần học nào của người Việt Nam tại Hoa Kỳ hay quê hương, Âu Châu, Úc Châu có chuyên ngành Âm Nhạc & Thờ Phượng. Nhưng các môn học về thờ phượng thì khá phổ biến.

            Việc tìm hiểu, tham gia các khóa học là điều luôn luôn cần thiết đối với người tham gia mục vụ âm nhạc và thờ phượng. Chẳng hạn, chúng ta cần các câu trả lời thông thường khi được hỏi những câu hỏi liên quan (chẳng hạn, thờ phượng Chúa có được vỗ tay, hát lớn tiếng, sử dụng các nhạc cụ điện tử), hoặc sự hiểu biết về thần học sẽ giúp chúng ta phân loại các bài hát, phân biết các bài hát phù hợp hay không phù hợp với lời Chúa.

& 7 Vì Đức Chúa Trời là Vua của cả trái đất; Hãy hát ngợi khen cách thông hiểu. (Thi Thiên 47;7)

& 1 Hỡi các dân, hãy vỗ tay; Hãy lấy tiếng thắng trận mà reo mừng cho Đức Chúa Trời. (Thi Thiên 47:1)

3. Có khả năng, kỹ năng về âm nhạc & nhạc cụ, thanh nhạc.

            Trau dồi và học tập để đạt đến trình độ tốt nhất, khả năng tốt nhất để phục vụ Đức Chúa Trời. Tất cả chúng ta khi được sanh ra với những năng khiếu khác nhau. Năng khiếu không giúp gì nếu không chịu học tập trau dồi kỹ năng.

&   7 Chúng luôn với anh em mình có học tập trong nghề ca hát cho Đức Giê-hô-va, tức là những người thông thạo, số được hai trăm tám mươi tám người.  8 Chúng đều bắt thăm về ban thứ mình, người lớn như kẻ nhỏ, người thông thạo như kẻ học tập. (1 Sử Ký 25:7,8)

& 2 Hãy dùng đàn cầm cảm tạ Đức Giê-hô-va; Hãy dùng đàn sắt mười dây mà hát ngợi khen Ngài. 3 Khá hát cho Ngài một bài ca mới, Và khéo gảy nhạc khí với tiếng vui mừng. (Thi Thiên 33;2,3)

Ü Sing to him a new song; play skillfully, and shout for joy.

4. Có phẩm cách khiêm nhường, yêu thương, lắng nghe góp ý xây dựng.

– Trong Hội thánh không có “ngôi sao” ca nhạc, ngôi sao âm nhạc. Tâm điểm của sự thờ phượng là Đức Chúa Trời.

– Ân tứ Chúa ban cho là để phục vụ.

– Lắng nghe góp ý, xây dựng. Đây là vấn đề nhạy cảm dễ xảy ra xung đột, hiểu lầm giữa những người Lê-vi với nhau, người chơi nhạc, giữa ban thờ phượng với hội chúng (ý kiến của những người cao niên)

& 3 Chớ làm sự chi vì lòng tranh cạnh hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình. (Phi-líp 2:3)

& 4 Mỗi người phải thử xét việc làm của mình, thì sự khoe mình chỉ tại mình thôi, chớ chẳng phải tại kẻ khác. 5 Vì ai sẽ gánh lấy riêng phần nấy. (Ga-la-ti 6:4,5) Không cần phải so sánh mình với người khác, hãy hết lòng làm trọn bổn phận của mình; hài lòng về kết quả công việc mình phải làm.

5. Tinh thần học hỏi, trau dồi kỹ năng.

Tương tự như điểm thứ 3 đòi hỏi phải có kỹ năng nhất định. Ở đây là tinh thần học tập, trang bị kiến thức thêm, bồi dưỡng. Người làm mục vụ âm nhạc không được quyền tự mãn trước những gì mình đang có, hoặc đang trong những thành tựu đã đạt được, vừa tham gia một chương trình truyền giảng lớn thành công. Người đó lập tức lao vào học tập thêm chứ không yên nghĩ, nghe ngóng hay tìm những lời tụng ngợi về những đóng góp của mình.

6. Giữ sự hiệp một với nhau trong nhóm làm việc, cất bỏ thành kiến và đố kỵ

– Giữ sự hiệp một trong ban hát, ban đàn, ban thờ phượng để sự xức dầu của Chúa được lan tỏa: “13 Xảy khi kẻ thổi kèn và kẻ ca hát đồng thinh hòa nhau như một người, mà khen ngợi cảm tạ Đức Giê-hô-va, và khi họ trổi tiếng kèn, chập chỏa, nhạc khí lên khen ngợi Đức Giê-hô-va, rằng: Ngài từ thiện, lòng thương xót Ngài hằng có đời đời, thì đền của Đức Giê-hô-va bị mây lấp đầy;” (2 Sử Ký 5:13)

– Không để những thành kiến, đố kỵ xen vào mục vụ Chúa gọi. Sứ mệnh âm nhạc tự nó đã không có hàng rào. Thường thì con người tạo nên những hàng rào trong âm nhạc, chẳng hạn không thích dùng những bài hát ở hệ phái khác.

& 13 Nhưng trong Đức Chúa Jêsus Christ, anh em là kẻ ngày trước cách xa, hiện nay đã nhờ huyết Đấng Christ mà được gần rồi. 14 Vì, ấy chính Ngài là sự hòa hiệp của chúng ta; Ngài đã hiệp cả hai lại làm một, phá đổ bức tường ngăn cách; 16 và vì bởi thập tự giá Ngài đã làm cho sự thù nghịch tiêu diệt, nên nhờ thập tự giá đó Ngài khiến cả hai hiệp thành một thể, mà làm hòa thuận với Đức Chúa Trời. (Ê-phê-sô 2:13,14,16)

– Các ban ngành truyền thông (âm thanh, trình chiếu) và ban thờ phượng để có sự rập ràng trong công việc, họ cần cầu nguyện, học Kinh Thánh và có mặt tập dợt với nhau cho các chương trình thờ phượng.

– Có khả năng giải quyết những xung đột của thành viên. Hiểu rõ các thành viên. Và có khả năng lãnh đạo qua việc dạy lời Chúa, học Kinh Thánh chung với các thành viên.

& 19 Quả thật, ta lại nói cùng các ngươi, nếu hai người trong các ngươi thuận nhau ở dưới đất mà cầu xin không cứ việc chi, thì Cha ta ở trên trời sẽ cho họ. (Ma-thi-ơ 18:19)

7. Sáng tạo và năng động.

Người tham gia mục vụ âm nhạc cầu nguyện xin Chúa cho sự sáng tạo, không rập khuôn, không áp dụng những kiểu mẫu nơi khác có thể không phù hợp với HT địa phương.

Bởi sự sáng tạo mà nhạc sĩ sáng tác rất nhiều bài hát, biên tập múa thờ phượng sinh động, thiết kế, phối trí chương trình được ơn và thu hút sự chú ý của con cái Chúa hào hứng tham gia thờ phượng; Cũng bởi sự sáng tạo mà các nhạc sĩ hòa âm những bài hát được ơn, ca sĩ trình bày sâu sắc vì được sự xức dầu…

& 1 Bết-sa-lê-ên, Ô-hô-li-áp và các người khôn khéo, tức là người Đức Giê-hô-va đã phú cho sự khôn ngoan và sự thông sáng đặng làm các công việc định dụng về việc tế lễ nơi thánh, đều làm mọi việc mà Đức Giê-hô-va đã phán dặn. (Xuất Ê-díp-tô-ký 36:1)

8. Có lòng đam mê (passion) về sự thờ phượng Chúa.

            Khải tượng và lòng đam mê thường đi đôi với nhau ở người nghệ sĩ Cơ Đốc (theo kinh nghiệm cá nhân của tôi). Bạn có đam mê điều gì cho Chúa không? Đam mê ngợi khen Chúa, đam mê đàn được ơn như vua David? Hiện nay khải tượng và mơ ước của bạn là gì cho nền thánh nhạc Tin lành?

            Sự đam mê thường được thể hiện hay bày tỏ bằng hành động. Theo bạn đó là gì? Bạn có tập luyện mỗi ngày, kiên trì đi với ban thờ phượng trong các buổi tập luyện hàng tuần, tham dự các chương trình lớn, bạn có đang trau dồi học tập để phát triển ta-lâng Chúa ban cho mình?

& 2 Linh hồn tôi mong ước đến đỗi hao mòn về hành lang của Đức Giê-hô-va;
Lòng và thịt tôi kêu la về Đức Chúa Trời hằng sống. 4 Phước cho người nào ở trong nhà Chúa!
Họ sẽ ngợi khen Chúa không ngớt.
(Thi Thiên 84:2,4)

9. Có tấm lòng để xây dựng và phát triển về sự thờ phượng tại HT địa phương và cộng đồng.

– Đào tạo thế hệ trẻ, thế hệ kế tiếp cho công việc Chúa trong lĩnh vực âm nhạc và thờ phượng nói riêng. Thường thì các nhà thờ trông chờ hay thừa hưởng nguồn lực có sẵn tự nhiên từ thế hệ học sinh, sinh viên học nhạc từ trong trung học. Tuy nhiên tất cả cần sự định hướng để biết sử dụng đúng khả năng cho sự phục vụ.

– Bạn có tận tình hướng dẫn và truyền lại kinh nghiệm cho người kế tiếp được gọi vào mục vụ liên quan? Bạn có kêu gọi và sẵn lòng hỗ trợ cho con em mình hay ai đó để học đàn, học hát cho công việc Chúa.

& 4 Con trai sanh trong buổi đang thì, Khác nào mũi tên nơi tay dõng sĩ. 5 Phước cho người nào vắt nó đầy gùi mình! Người sẽ không hổ thẹn, Khi nói năng với kẻ thù nghịch mình tại cửa thành. (Thi Thiên 127:4,5)

10. Là một người cầu nguyện.

& Được cầu thay để được ơn: 11 Chính anh em lấy lời cầu nguỵện mà giúp đỡ chúng tôi, hầu cho chúng tôi nhờ nhiều người cầu nguyện mà được ơn, thì cũng nên dịp cho nhiều người vì cớ chúng tôi mà tạ ơn nữa. (2 Cô-rinh-tô 1:11)

& Kiêng ăn cầu nguyện tìm kiếm ơn Chúa, chuẩn bị đời sống để ra mắt Chúa cách xứng đáng: “ 1 Sau các việc nầy, xảy có dân Mô-áp, dân Am-môn, và những người Mao-nít ở cùng họ, kéo đến đặng đánh giặc với Giô-sa-phát. 2 Bấy giờ, có người đến thuật cho Giô-sa-phát, mà rằng: Có một đám quân rất đông từ bên bờ kia của biển, từ nước Sy-ri, mà đến hãm đánh vua; kìa chúng đương ở tại Hát-sát-son-Tha-ma, cũng gọi là Ên-Ghê-đi. 3 Giô-sa-phát sợ hãi, rắp lòng tìm cầu Đức Giê-hô-va, và rao khắp xứ Giu-đa phải kiêng ăn một ngày. 4 Giu-đa nhóm lại đặng cầu Đức Giê-hô-va cứu giúp; người ta ở các thành Giu-đa đều đến đặng tìm cầu Đức Giê-hô-va. (2 Sử ký 20:1-4)

MS Giang Đông (HTTL Báp-tít Vườn Nho Arizona 10/2018)

CÂU HỎI THẢO LUẬN:

1. Theo quý anh chị em thì để nền thánh nhạc Hội thánh địa phương phát triển thì cần phải bắt đầu điều gì trước tiên?

2. Đối với ban diễn lễ (ban hát và ban đàn) điều gì đang là trở ngại lớn nhất của các bạn? Để giải quyết vấn đề đó, bạn sẽ yêu cầu sự cải thiện như thế nào? Bạn có chịu học hỏi không nếu Hội thánh cử bạn đi học các khóa bồi dưỡng, nâng cao tại trường hay qua online?

3. Ban hát, ban đàn và ban truyền thông (âm thanh, livestream, trình chiếu, đèn chiếu) cần phải làm gì để có sự hiệp một, cùng làm việc với nhau thế nào để hòa hợp?

4. Nếu nhìn về tương lai, Hội thánh địa phương của bạn đã có những người trẻ sẵn sàng kế thừa vị trí của bạn chưa? Nếu chưa chúng ta phải làm gì? Nếu có bạn hãy cho biết bạn đang đầu tư thế nào cho đội ngũ kế thừa?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.