Từ Câu Hát ”ầu ơ ví dầu”

Văn học dân gian: TỪ CÂU HÁT “VÍ DẦU”

Buổi trưa, bên nhà ai đó văng vẳng tiếng hát ru. Từ xa xưa, những bà mẹ dỗ con ngủ trên cánh võng đong đưa thường cất tiếng hát ru.

Và, biết bao câu hát đã ra đời bên chiếc nôi truyền thống của con trẻ như thế. Những câu hát thiên hình vạn trạng, mang sắc thái riêng của vùng miền hay phổ biến, quen thuộc trên cả nước đều được cất lên từ cảm xúc, từ tình yêu thương gắn bó của con người với quê hương, làng mạc, với những người thân thiết. Nhưng không chỉ vậy, những câu hát còn ghi dấu những sinh hoạt, cách sống, cách nghĩ của cả một thời…

Trong những câu ca dao miền Nam, loại câu hát “Ví dầu” chiếm một số lượng không nhiều lắm nhưng lại rất thú vị bởi những biểu hiện độc đáo mặn mòi của nó. Hãy thử điểm qua một vài câu “Ví dầu” quen thuộc.

Bắt đầu là câu hát mộc mạc đơn giản nhất như:

“Ví dầu ví dẩu ví dâu,

Ví qua ví lại ví trâu vô chuồng”.

Câu ca dao lũ trẻ thường hay hát nghêu ngao chẳng cần để ý gì đến nội dung ý nghĩa của nó nhưng khi đọc đi đọc lại, hiện ra trước mắt ta là nét đặc thù của đời sống nông nghiệp luẩn quẩn, tù túng của người nông dân, nghèo khổ, cùng cực với công việc đơn điệu thô thiển ngày qua ngày như câu hát buồn, để rồi họ lại cất tiếng than:

“Ví dầu nhà dột cột xiêu,

Muốn đi lấy vợ sợ nhiều miệng ăn”.

Quả là một suy nghĩ rất thực tế! Cái thực tế thực đến nổi bật lên cả tâm trạng não nùng của anh thanh niên đang hát. Cái nỗi sợ muôn đời của những người nghèo bởi cảnh tượng gia đình đông vui lại trở thành tai họa, thành sự nơm nớp lo âu. Cứ hình dung cảnh chàng trai ấy đang ngồi trong “Nhà dột cột xiêu” của mình buồn bã với nỗi cô đơn mà nao lòng. Có lẽ vì vậy mà, những món ăn ngon, dù là của đồng ruộng cũng thường ám ảnh tâm trí mọi người nên nhiều câu “Ví dầu” đã vang lên trên từng mảnh vườn, từng con rạch, con sông:

“Ví dầu tình Bậu muốn thôi,

Bậu gieo tiếng dữ cho rồi Bậu ra

Bậu ra Bậu lấy ông câu

Bậu câu cá bống chặt đầu kho tiêu

Kho tiêu, kho mỡ kho hành

Kho ba lạng thịt để dành Bậu ăn”.

Bài ca dao như một câu chuyện “Hôn nhân gia đình” thời xưa. Hai câu đầu hoàn toàn là chuyện thế thái nhân tình, là chuyện gút mắc vợ chồng trong đó cô vợ có vẻ đanh đá, thủ đoạn trong cách ứng xử. Nhưng chuyện “Bứt nài, tháo ống” cũng là chuyện thường tình. Sự thú vị có lẽ nằm trong phần sau. Hoá ra cái món “Cá bống kho tiêu” cùng với “Ba lạng thịt” ấy quả là ngon và quý đến nỗi cô vợ quyết lấy ông câu để được ăn? Dĩ nhiên đó chỉ là một cách ví von nhưng qua đó ta vừa thấy được sự ngọt bùi của cá bống, loài cá thường ra khỏi hang bám vào những giề lục bình mùa nước nổi để thành một món ăn ngon đặc biệt vùng châu thổ, vừa thấy nếp sống khổ cực của người nhà quê, sự hiếm hoi của từng miếng thịt trong bữa ăn hằng ngày của họ. Vì vậy đằng sau sự mỉa mai, châm biếm của câu hát hình như vẫn ẩn chứa chút ngậm ngùi thương cảm! Cũng có lúc, câu hát “Ví dầu” chỉ là để miêu tả như thể phú đơn thuần của ca dao:

“Ví dầu cá lóc nấu canh

Bỏ tiêu cho ngọt, bỏ hành cho thơm”

Nhắc đến món ăn quen, nhân dân xưa vẫn có cách làm mới câu hát bằng cách hoán vị từ rất thú vị. Lẽ ra phải “Bỏ tiêu cho thơm, bỏ hành cho ngọt” mới đúng. Quy luật câu thơ lục bát đã dẫn đến sự sáng tạo trong cách đổi chỗ cho những mùi vị trên khiến câu hát lấp lánh hẳn lên đồng thời cũng là thử thách với người thưởng thức về sự sâu sắc, tinh tế trong ca dao.

Nhưng hay nhất, sâu lắng nhất vẫn là câu hát “Ví dầu” mà ai cũng thuộc lòng bởi từ bao đời nó vẫn được hát ru bên nôi trẻ.

“Ví dầu cầu ván đóng đinh

Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi.

Khó đi mượn chén ăn cơm,

Mượn ly uống rượu, mượn đàn kéo chơi…”

Ở hai câu đầu, bài ca dao có vẻ chỉ nhằm ý mô tả những hình ảnh thường thấy ở làng quê: Cầu ván đóng đinh, cầu tre lắt lẻo gập ghình (ghềnh). Và dĩ nhiên, gập ghình như thế ắt dẫn đến chuyện “khó đi”. Ý thơ lại liền mạch, chặt chẽ bởi sự lặp đi lặp lại của từ “mượn”: Mượn chén, mượn ly, mượn đàn. Thoạt nghe, cũng chưa thấy gì lạ lùng, đặc biệt. Ừ thì chắc có khách đến chơi nên phải đi mượn? Nhưng mà, nhà nghèo khó gì đến một cái chén ăn cơm, một cái ly uống rượu cũng thiếu? Mà uống rượu đế, rượu nếp thì cần gì nhiều ly? Thiếu chăng là thiếu tiền mua rượu. Hay đi mượn chén, mượn ly lại là chuyện mượn tiền? Không, bài ca dao không hề nhắc điều đó. Để rồi cuối cùng, đến chi tiết “mượn đàn kéo chơi” ý tứ như mở ra, lồng lộng, tuyệt vời. Một chữ “chơi” đã làm nên thần sắc, hồn vía của bài ca dao nói riêng và cả vùng đất Nam Bộ nói chung. Tất cả nét phóng khoáng, hào sảng, thênh thênh của những lưu dân đi mở đất đã nằm trọn trong tiếng đàn kéo chơi ấy. Rõ ràng là cuộc sống vất vả lam lũ hằng ngày không làm mất đi vẻ đẹp của nếp sống bình dị mà tươi tắn, nhọc nhằn mà nhẹ tênh của những bần nông biết vượt lên số phận để có được niềm vui, niềm hạnh phúc. Có lẽ từ những ngày xa xưa ấy, câu ca tiếng hát, chút rượu đưa cay trong từng lần quay quần họp mặt đậm đà nếp sống cộng đồng ấy đã đem lại chút nồng ấm, nên thơ cho từng cảnh đời cơ cực. Và họ cứ thế mà:

“Kéo chơi ba tiếng đờn cò

Đứt dây đứt nhợ quên hò xự xang”.

Hay làm sao khi cuộc vui bốc trời đến “đứt dây đứt nhợ”! Có thể dây đàn đứt, tiếng đàn hết vang nhưng sợi dây đàn trong tâm hồn thì vẫn còn rung mãi, rung mãi cho đến hôm nay, khi câu hát cứ tiếp tục cất lên từ lời ru của những người bà, người mẹ.

Điểm lại vài câu ca dao với hình thức những câu hát “ví dầu”, bức tranh sinh hoạt và đời sống tâm linh của người dân Nam Bộ như hiện ra trước mắt, thấm sâu vào suy nghĩ tình cảm của những người yêu quý nó. Ai đó từng nói “không gì làm trẻ trung, tươi mát tâm hồn con người cho bằng tắm trong nguồn suối của văn học dân gian”. Quả đúng như thế, chỉ cần ngân nga một bài ca dao, một câu hát Ầu ơ.. Ví dầu nào đó, lòng ta đã bay bổng, lâng lâng. Hãy nghe, câu hát ru một lần nữa lại cất lên, êm ả, ngọt lịm buổi trưa hè:

“Ví dầu cậu giận mợ hờn,

Cháu theo cùng cậu kéo đờn cậu nghe”…

Chi Lan

www.hoithanhvuonnhoaz.com

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.