Bản Giao Hưởng Anh Hùng Của Thế Kỷ XX
Năm 1941, một mùa thu Nga đặc biệt quyến rũ trang điểm cho các công viên thành phố Leningrad bằng “vàng lá và đồng đỏ”. Thế nhưng, những tiếng gầm của đại bác đã xua chim bay đi hết. Phố xá đổ nát với các cửa sổ mở toang như những con mắt trống rỗng. Người chết nằm giữa quảng trường. Lửa rực cháy ngoài ngoại ô. Xe tăng phát xít đang tiến gần tới Leningrad. Có người nhạc sĩ đi giữa thành phố tan hoang với lòng đau thương căm giận. Đó là Shostakovich – một cây đại thụ của nền âm nhạc hiện đại.
Như mọi người dân Leningrad (ngày nay là Petersburg) ông cũng đi đào công sự, làm người lính cứu hỏa trên mái nhà. Tuy nhiên, vũ khí của ông chính là âm nhạc. Sáng ngày 17.9.1941, Shostakovich nói trên đài phát thanh thành phố: “ Hai giờ trước đây tôi đã hoàn thành hai chương đầu tiên của bản giao hưởng số 7 ”.
Tình hình mặt trận ngày một nguy kịch. Từ Cung điện Mùa đông, Hội đồng quân sự mặt trận Leningrad có lệnh buộc Shostakovich sơ tán về Kuibushev. Giao hưởng hoàn thành tại đó trong một đêm tuyết rơi đầy, với lời đề tựa của Shostakovich: “ Tặng thành phố Leningrad ”.
Ngày 23.9.1942, bản giao hưởng “Leningrad” được công diễn ở Matxcơva. Báo động phòng không giữa buổi hòa nhạc. Đạn nổ đầy trời. Âm nhạc vẫn cứ bay lên. Không một ai rời khỏi chỗ. Shostakovich mạnh hơn Hitler! Và tại Leningrad bị phong tỏa có 15 nhạc sĩ ngồi lắng nghe, xúc động lặng người. Họ thề rằng phải biểu diễn bản giao hưởng “của mình” đó ở đây, chính Leningrad này! Và họ đã thực hiện được điều tưởng như không thể đó vào năm 1942 ở thành phố đang ngắc ngoải giữa vòng vây xiết chặt của quân thù.
Giao hưởng số 7 là một tác phẩm 4 chương đồ sộ, phức tạp, cần không ít hơn 100 nhạc công. Vậy mà tất cả họ chỉ có 15 người. Nhạc trưởng K.Eliasberrg gần chết đói phải cáng vào bệnh viện. 28 nhạc công dàn nhạc giao hưởng đã hy sinh trong chiến đấu. Những người khác thì kiệt sức, hình hài như những bóng ma vật vờ trong các tầng hầm đổ nát, lạnh lẽo, hay trong các ngõ hẻm của phố vắng đầy tuyết. Tình hình cực kỳ bi đát. Lập tức có lệnh của cục chính trị mặt trận Leningrad điều động gấp các nhạc sĩ từ tiền tuyến, hạm đội về.
Bắt đầu những buổi diễn tập, một việc bây giờ chẳng dễ dàng gì. Đôi tai tinh tế đã bị thương tổn vì những tiếng bom nổ gần chát chúa, các ngón tay mềm mẫn cảm chai cứng vì cầm lựu đạn, vì đào bới trong gạch ngói, tuyết lạnh… Đói, rét, bệnh tật và cái chết lảng vảng ở khắp nơi. Bởi thế, các buổi hòa nhạc được truyền qua làn sóng điện làm cho nhiều người lính Đức quanh “thành phố chết” choáng váng, kinh hoàng. Năm 1963, có hai kỹ sư từ CHLB Đức đến Leningrad tìm K.Eliasberg chỉ để nói với ông rằng cái ngày nằm trong chiến hào bao vây Leningrad, họ được nghe Beethoven vọng ra từ “thành phố chết”, họ chợt hiểu rằng: Thành phố này là bất khả chiến bại. Và họ hẹn nhau, nếu còn sống sau chiến tranh sẽ trở lại đây tìm người chỉ huy dàn nhạc mà lòng quả cảm của ông làm họ thán phục.
Ngày 2.7.1942, phi công quân sự Litvinov vượt qua lưới lửa phòng không phát xít, chở tổng phổ bản giao hưởng số 7 đến Leningrad. Và đúng chủ nhật 9.8.1942, ngày Hitler định tổ chức buổi đại tiệc ở khách sạn Astoria của Leningrad bị chiếm đóng, bản giao hưởng “Leningrad” của Shostakovich vang lên trong gian lớn Hội khuyến nhạc thành phố như biểu tượng cho tinh thần bất khuất, lòng dũng cảm tuyệt vời và niềm tin chiến thắng quân thù của Leningrad.
Rất nhiều người khóc trong buổi hòa nhạc. Họ khóc vì không có cách nào khác bày tỏ cảm xúc của mình. Họ khóc vì đã sống qua tất cả những gì mà bây giờ được âm nhạc tái hiện với một sức mạnh nghệ thuật ghê gớm. Họ khóc cho những người thân đã chết của mình. (Trong 900 ngày đêm bị phong tỏa, hơn một triệu người Leningrad đã chết).
Khi kết thúc những hợp âm cuối cùng, K.Eliasburg nâng bản tổng phổ lên đầu. Snetniskova, cháu gái 9 tuổi, tặng ông một bó hoa nhỏ – điều kỳ diệu ở Leningrad năm 1942. Tất cả đứng dậy vỗ tay. Đại tướng Govorov chỉ huy mặt trận Leningrad bước lên sân khấu. Ông nói: “Hôm nay chúng tôi cũng biểu diễn rất thành công cùng các bạn”. Những người ngồi trong nhạc viện không biết rằng khi người chỉ huy dàn nhạc vung cây gậy lên, thì trên những cao điểm Pincovsky, pháo binh của tập đoàn quân số 42 do thượng tá Vichia, một nghệ sĩ piano tài năng chỉ huy cũng bắt đầu “Bản giao hưởng lửa” của mình. “Dàn nhạc” gồm nhiều trung đoàn pháo binh tầm xa hạng nặng. Chơi bè trầm là các đại pháo của hải quân. Lệnh của tướng Govorov: Không cho pháo binh phát xít lên tiếng trong buổi biểu diễn bản giao hưởng “Leningrad”! Và quân thù đã câm lặng suốt thời gian bản giao hưởng vang lên. Trong cả lịch sử âm nhạc, đây là chuyện chưa từng có.
Mùa hè năm 1942, máy bay đã đưa tổng phổ giao hưởng “Leningrad” đến Iran, qua Iraq, Ai Cập sang bờ tây Phi châu, sau đó bằng tàu thủy vượt qua các bãi mìn trên đại tây dương tới Mỹ. Tất cả các nhạc trưởng lỗi lạc nhất của Mỹ tranh nhau quyền được là người biểu diễn đầu tiên bản giao hưởng huyền thoại này. Nhạc sư Toscanini gửi một bức điện cho Shostakovich. Và vấn đề đã ngã ngũ, vận may rơi vào người chỉ huy dàn nhạc vĩ đại. Ông già 79 tuổi đã đóng cửa 3 ngày liền nghiên cứu tổng phổ mà thường thường ông chỉ cần 1 ngày.
Ngày 19.7.1942, giao hưởng Leningrad dưới sự chỉ huy của Toscanini đã vang lên ở New York và được truyền đi khắp lục địa Mỹ. Thành công thật là vang dội. Toscanini điện cho Shostakovich từ New York: “Tôi muốn nhân danh cá nhân chúc mừng ông, người đại diện vĩ đại của một đất nước vĩ đại!”. Báo chí Mỹ viết: “Sau cái vung tay cuối cùng của Toscanini, mỗi người có mặt trong phòng hòa nhạc đều quay người sang bên cạnh và nói: Quỷ dữ làm sao có thể chiến thắng nổi một dân tộc sáng tạo được thứ âm nhạc đẹp như thế này! Giao hưởng Leningrad cho chúng ta sức mạnh tinh thần và niềm hy vọng rằng một thế giới đang đến. Shostakovich không chỉ nói nhân danh người Nga vĩ đại, mà nhân danh cả nhân loại!”…Trong mùa thu năm 1942, giao hưởng số 7 của Shostakovich đã được biểu diễn hơn 60 lần trên toàn nước Mỹ. Hàng triệu người Mỹ đã nghe bản giao hưởng anh hùng được viết bằng máu trái tim. Sau đó máy bay quân sự đã đưa tổng phổ bản giao hưởng đến Thụy Điển. Đại sứ Liên Xô trao nó cho nhạc sĩ Dovrovrin, người ngày xưa chơi Appassionata của Beethoven cho Lenin nghe. Ông là người đầu tiên đã biểu diễn Giao hưởng “Leningrad” ở Thụy Điển cùng với dàn nhạc thành phố Gotheburg. Chiến tranh thế giới kết thúc, giao hưởng “Leningrad” vang lên ở thủ đô của nước Đức phát xít.
65 năm đã trôi qua từ khi chủ nghĩa phát xít Đức bị tiêu diệt, giao hưởng “Leningrad” của Shostakovich vẫn vang lên trên tất cả các sân khấu hòa nhạc lớn nhất thế giới và sẽ còn tồn tại mãi chừng nào trên trái đất này còn âm nhạc. Nó là đài kỷ niệm bằng âm thanh thời đại chúng ta. Hiếm có tác phẩm âm nhạc nào vừa mới ra đời đã thành huyền thoại như nó. Giao hưởng “Leningrad” của Shostakovich là bản “ Giao hưởng anh hùng của thế kỷ 20 ” bởi nó thổi bùng từ trong trái tim chúng ta lòng dũng cảm và tự hào, niềm tin vào sự toàn thắng của cái thiện mỹ.Trên là câu chuyện có thật về lòng đam mê âm nhạc kết hợp tình yêu quê hương của nhạc sĩ người Nga – ông Shostakovich mà tôi rất ngưỡng mộ. Câu chuyện cũng đã gợi cho tôi nghĩ về lòng say mê thờ phượng của vua Đa-vít hàng ngàn năm trước. Lòng say mê thờ phượng Đức Chúa Trời đã thúc giục vua Đa-vít chế tạo rất nhiều nhạc khí để phục vụ Chúa (1 Sử ký 23:5), sắm sửa các nhạc khí cho ban thờ phượng (2 Sử ký 7:6), rồi phân công sắp đặt những ban, đội thờ phượng Chúa ngày đêm trong đền tạm – điều mà cả dân tộc Y-sơ-ra-ên vẫn còn làm đến ngày nay, và cũng trở thành khuôn mẫu thờ phượng thời Tân Ước kéo dài cho đến hậu hiện đại của chúng ta. Điều gì đã khiến Đa-vít hành động như vậy? Đối với Đa-vít hầu như “mọi điều gì ở trong ông” cũng đều có thể ca ngợi danh Thánh của Đức Chúa Trời (Thi Thiên 103:1) ở Đa-vít độc giả Thánh Kinh dễ dàng tìm thấy một tấm lòng yêu Chúa chân thật, đơn sơ, khiêm nhường, hạ mình và ăn năn khi nhận biết mình có tội. Âm nhạc và sự thờ phượng để nói lên lòng biết ơn và yêu mến Đức Chúa Trời tha thiết để từ đó Ngài ban phước cách đặc biệt cho ông và hậu tự ông. Vua Đa-vít đã góp phần xây dựng một nền thánh nhạc cổ đại của dân Y-sơ-ra-ên bởi lòng đam mê thờ phượng Chúa và kính mến Đức Chúa Trời thật đáng cho tất cả chúng ta học hỏi. Mục sư Giang Đông(Sưu tầm câu chuyện và viết phần kết luận)